Từ những sản phẩm huyền thoại như Lada, Tatra hay Volga, khách nhà giàu ở Nga giờ chuyển sang những thương hiệu “Tây” như Porsche, Mercedes và BMW.
Về tổng quan, doanh số xe tại Nga đang giảm, ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu cũng như việc giá dầu giảm. Con số năm nay chưa bằng 1,5 triệu xe bán ra trong 2015 và tụt xa so với gần 3 triệu chiếc năm 2014, theo New York Times.
Một khách hàng tại đại lý Porsche ở Moscow năm 2014. Doanh số xe giảm đáng kể tại Nga, nhưng người giàu vẫn đủ tiền để tậu xe sang nhập từ châu Âu. Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng các hãng xe sang như Porsche, BMW và Mercedes lại tin rằng khủng hoảng kinh tế lại lôi kéo giới nhà giàu nắm lấy cơ hội khi đồng rúp mất giá và đầu tư vào dòng xe hơi hạng sang, thứ mà ở Nga theo truyền thống thường không bị mất giá nhiều như ở phía tây.
Tuy nhiên, không có nhiều người có đủ số rúp tương đương 50.000 USD hoặc hơn để mua một chiếc Porsche. Ở quốc gia với số dân khoảng 143,5 triệu người – bằng khoảng 45% so với dân số Mỹ – Porsche bán khoảng 6.000 xe trong năm nay, chỉ bằng 12% doanh số tại Mỹ năm 2015.
Nhưng với những ai mua được một trong những mẫu xe dạng này tại Nga, thì trải nghiệm được cho là không mấy khác biệt so với những showroom ở Tây Âu hay Mỹ.
Tòa nhà bằng thép và kính của đại lý Porsche Center Pulkovo nổi bật bên một cao tốc gần sân bay Pulkovo (St Petersburg). Tầng mặt đất trang trí với những mẫu thể thao bóng lộn, hấp dẫn với màu sắc bắt mắt cùng một chiếc gầm cao Cayenne. Khách ngồi đợi nhân viên bán hàng hoặc chờ xe làm dịch vụ có thể thư giãn trên những chiếc ghế tiện nghi và xem tivi. Vài người nhấm nháp cốc cappuccino từ quầy đồ uống.
Vadim Voytenkov, giám đốc điều hành tại đại lý Porsche Center Pulkovo cho biết mỗi năm đại lý này bán khoảng 400 chiếc Porsche. Ảnh: New York Times. |
Nếu cần, những người Nga giàu có có thể sẵn sàng bỏ đi những khoản chi tiêu khác chứ không từ chối một chiếc xe sang, theo một phân tích của Euromonitor International, hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại London, Anh.
“Một chiếc xe Đức mới màu đen là đúng kiểu”, Mykola Golovko, quản lý dự án tại Euromonitor nhận xét. Nhưng trong khi một chiếc sedan Đức màu đen có thể là cỗ máy tối thượng với ai đó, thì các mẫu SUV được cho là chiếm một phần ba toàn thị trường xe hạng nhẹ tại Nga trong 2016 “và sẽ còn nhiều hơn thế”, Andrey Tomyshev, phụ trách về máy móc tự động của Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) cho biết. “Khách hàng thích SUV, đặc biệt là xe cỡ nhỏ, rất phù hợp với cơ sở hạ tầng và điều kiện thời tiết tại Nga”.
Trong khi chợ xe cũ chuyên phục vụ tầng lớp có thu nhập không quá xông xênh và thường ở những khu vực liền kề với các thành phố lớn, thì khái niệm về xe cũng như biểu tượng về địa vị xã hội cũng thể hiện rõ rệt. “Tiền bạc tập trung ở Moscow, và St. Petersburg là thứ hai”, là ý kiến của Vadim Voytenkov, giám đốc điều hành kiêm quản lý bán hàng của đại lý Porsche Center Pulkovo. Đại lý này thuộc sở hữu của Autodom, hãng điều hành cả các đại lý BMW, Mercedes và Lamborghini.
Đó là dạng hiệu ứng ở Nga, cũng theo Voytenkov. “Ông bố mua một chiếc S-class cho mình, còn mua cho cậu con trai một chiếc Boxster”. Vị quản lý bán hàng cũng cho biết, đại lý của ông bán khoảng 400 chiếc Porsche mỗi năm.
Bên ngoài đại lý Porsche Center Pulkovo tại St. Petersburg. Ảnh: New York Times. |
Quá trình đặt xe ở Nga tương tự các thị trường khác ở phía tây. Phần lớn khách hàng tại đại lý Porsche nhận xe trong 2 tháng, nhưng thời gian chờ có thể tới 6 tháng đối với một xe thuộc dạng khan hàng, như Porsche Macan mới, hoặc một chiếc có màu đặc biệt theo đặt hàng của khách.
Khi khách hàng nhận xe, họ có 10 ngày để tới một đồn cảnh sát, mang theo hồ sơ mua bán và bảo hiểm để đăng ký và lấy biển.
Tại trung tâm thành phố, ai đó muốn trải nghiệm tốc độ có thể tới Nevsky Prospekt, được coi là phiên bản 2 chiều, 8 làn đường của con lộ nổi tiếng Fifth Avenue bên Mỹ. Đó là nơi có thể trải nghiệm phong cách Fast and Furious kiểu Nga, với những chiếc Nissan, Renault và đôi khi là cả BMW độ thường tới để tranh tài.