Hội yêu thích sử dụng xe cub 50 phân khối

Bản độ Vespa phong cách quân đội tại Việt Nam

Mẫu scooter thiết kế vốn thời trang trở nên gân guốc và phá cách kiểu nhà binh bởi một người chơi xe tại Gia Lai.

Trong thú chơi xe cổ, bên cạnh sở thích gìn giữ những gì thuộc về nguyên bản, không ít người sáng tạo nên các bản độ khác biệt. Mẫu xe độ phong cách nhà binh của Tuấn Anh, một người chơi xe cổ lâu năm tại Gia Lai là một ví dụ.

Vespa cổ độ phong cách nhà binh tại Sài Gòn. Ảnh: Khải Biền. 

Chủ nhân mẫu xe độ cho biết, anh là người nặng tình với dòng xe cổ Vespa. “Thời còn trẻ, tôi có đến hơn 10 chiếc Vespa. Bây giờ thì số lượng ít hơn nhiều. Mẫu xe độ kiểu nhà binh này vẫn gắn bó với tôi, dù có người từng trả hàng trăm triệu nhưng tôi không bán”, anh Tuấn Anh nói.

Theo Tuấn Anh, chiếc Vespa nguyên bản khi anh sở hữu là mẫu xe sản xuất tại Đài Loan đời 1982. Xe có nhiều đèn phía trước nhưng anh không thích nên gỡ bỏ, phần yếm trước cũng tương tự.

Khung sườn và động cơ giữ nguyên, Tuấn Anh sơn màu xanh kiểu lính cho phần thân. Cứ thế, mẫu xe cùng chủ nhân rong ruổi đến nhiều vùng, miền tại Việt Nam, giao lưu cùng những người cùng sở thích.

Năm 2007, trong chuyến đi đến Hội An, Quảng Nam, Tuấn Anh mua một vài vật dụng ướm thử lên xe. “Không ngờ mấy thứ tôi mua lại hợp với chiếc xe đến vậy. Ngay trong hôm đó, tôi tiến hành lắp những vật dụng mới cho xe. Bản độ từ ấy khiến nhiều người chú ý, thậm chí sau đó có người bạn xin phép độ một phiên bản khác lấy ý tưởng từ mẫu xe của tôi”, chủ nhân bản độ kể lại.

Mẫu xe cổ thay đổi kiểu dáng khiến ít người nhận ra đây là Vespa nếu không để ý kỹ. Những trang bị lỉnh khỉnh kiểu lính xuất hiện trên xe như xẻng, xà beng, la bàn, đèn pin hoặc bộ đàm liên lạc từ xa.

Động cơ loại 175 phân khối hoạt động tốt. Trong lần xuất hiện tại Sài Gòn nhân dịp gặp mặt của hội Vespa Standard, mẫu xe độ kiểu nhà binh xuất hành từ Gia Lai vượt chặng đường hàng trăm km mà không lần nào “đổ bệnh”.

Với thiết kế cổ điển đi cùng năm tháng, Vespa là một trong số ít những dòng xe có lượng người chơi đam mê, sưu tầm, tạo nên nhiều hội, nhóm tại Việt Nam.