Những chỉ số quan trọng bằng chữ và số giúp người sử dụng mua và thay đúng loại lốp cũng như các điều kiện hoạt động phù hợp.
Không chỉ hữu ích trong việc mua và thay cùng loại lốp, các thông số còn hỗ trợ trong việc nâng cấp hoặc đổi loại lốp chạy theo mùa, tùy thuộc vào từng điều kiện thời tiết. Các chữ cái và con số cũng giúp người sử dụng hiểu tốc độ tối đa cho phép, độ chịu nhiệt, sức tải cũng như độ rộng của lốp và đường kính vành xe.
1. Đọc tên nhà sản xuất và tên lốp:
Những chữ cỡ lớn, thường nằm ở vòng ngoài cho biết tên nhà sản xuất, thương hiệu. Tên lốp có thể chỉ gồm chữ cái, hoặc kết hợp cả chữ và số, như Goodyear’s Eagle F1 GS-D3, Hankook Ventus R-S2 Z212 hay Kumho Ecsta MX.
2. Tìm đặc điểm miêu tả dịch vụ:
Không phải lốp nào cũng có, và nếu có, dấu hiệu này thường nằm trước tên lốp, có thể là P, LT, ST, T hoặc C.
P: lốp cho xe con (Passenger vehicle)
LT: lốp xe tải nhẹ (Light Truck)
ST: lốp xe đầu kéo đặc biệt (Special Trailer)
T: lốp thay thế tạm thời (Temporary)
C: lốp xe chở hàng thương mại, xe tải hạng nặng
3. Tìm chiều rộng và biên dạng lốp:
Đó là loạt chữ và số ngay sau đặc điểm dịch vụ và có dấu gạch chéo ở giữa. Ba số đầu tiên là chiều rộng lốp và tính bằng đơn vị milimét. Chiều rộng có thể từ 155-315. Ví dụ trong ảnh là 225 mm.
Hai số tiếp theo và nằm phía sau gạch chéo là biên dạng lốp, là tỷ lệ % giữa chiều cao hông lốp so với chiều rộng mặt lốp và thường từ 55-75% với phần lớn xe con. Ví dụ trong ảnh là 60%.
Biên dạng lốp được tính: 225 mm x 60% = 135 mm.
4. Hiểu cấu trúc lốp:
Phần lớn thông số này được hiển thị bằng chữ R và nằm ngay sau biên dạng lốp. R nghĩa là cấu trúc bố thép tỏa tròn Radial, một tiêu chuẩn công nghiệp của xe con, và là loại lốp thông dụng nhất. Những loại xe khác có thể là B, D hoặc E.
5. Biết đường kính vành xe:
Thường nằm ngay sau cấu trúc lốp, cho biết kích thước vành phù hợp với lốp xe. Như trong ảnh, vành là loại 17 inch (43,2 cm).
6. Tìm chỉ số tải trọng tối đa cho phép:
Con số này đặc biệt quan trọng, cho biết khả năng tải của lốp xe và con số càng lớn, mức tải của lốp càng cao. Dấu hiệu này không phải lúc nào cũng chỉ là con số.
Không bao giờ thay lốp nguyên bản bằng loại lốp có chỉ số tải trọng tối đa cho phép thấp hơn, mà chỉ dùng lốp có cùng, hoặc chỉ số này cao hơn. Ví dụ bạn dùng loại như trong ảnh, là 82, thì khi thay phải cùng là loại 82 hoặc cao hơn.
7. Tìm chỉ số tốc độ tối đa cho phép:
Chỉ số cho biết lốp xe có thể tải một lượng hàng nhất định và chạy với tốc độ nào đó. Những chữ cái cho biết giới hạn tốc độ của từng loại lốp cụ thể như sau:
Q: 160 km/h
S: 180 km/h
T: 190 km/h
U: 200 km/h
H: 210 km/h
V: 240 km/h (như ví dụ trong ảnh)
Z: trên 240 km/h
8. Tìm chỉ số chịu nhiệt:
Cho biết độ chịu nhiệt ở tốc độ cao ở phần trong của lốp. Chỉ số này có thể là chữ A, B hoặc C với A thể hiện độ chịu nhiệt cao nhất và C là thấp nhất.
9. Xác định mã của bộ giao thông nơi lốp được sản xuất bằng cách tìm dãy ký hiệu phía sau chữ “DOT”:
Sau chữ “DOT” là nhà máy sản xuất. Như trong ảnh, “M5” cho biết đây là loại lốp Michelin sản xuất tại nhà máy ở Kentville, Canada. Tiếp theo là mã kích cỡ lốp (DO). “L8M” là mã kích thước. Còn “5008” là tuần và năm sản xuất – lốp được sản xuất vào tuần thứ 50 của năm 2008.
10. Tìm chỉ số áp suất lốp:
Nằm ở viền trong của lốp, cho biết áp suất phù hợp để tối đa hiệu suất hoạt động của lốp.