Khách chọn taxi vào ngày thường là chuyện bình thường nhưng taxi chọn khách những ngày cận Tết thì không phải việc hiếm.
Những ngày giáp Tết mọi việc dường như hối hả hơn, người xe nườm nượp, cực chẳng đã mới phải ra đường. Tôi thầm nghĩ, chọn taxi thì đường cũng bớt được một chiếc xe.
Đứng đường đến 15 phút mà các loại taxi cứ vút qua một cách lạnh lùng. Chờ mãi cuối cùng cũng có xe xi-nhan nhưng không táp vào sát lề mà dừng giữa đường như để sẵn sàng từ chối. Lái xe kéo kính xuống, hất hàm hỏi: “Đi đâu?”, hơi sốc nhưng tôi tự nhủ có xe là may rồi, cao điểm mà. “Duy Tân em ơi”. “Thôi thôi, đông lắm tắc lắm không đi đâu”, câu trả lời chưa dứt, xe đã chạy biến.
Ở Hà Nội, để đi tới phố Duy Tân (Cầu Giấy) vào giờ tan tầm là một ác mộng vì mọi ngả đường đổ về đây đều là đường lớn, nhưng đường nào cũng tắc cứng vì sửa chữa, vì lưu lượng quá đông.
Hết xe này đến xe khác cứ thế phóng qua không đoái hoài, vẫy mỏi tay đến hơn 10 phút sau mới lại có một chiếc taxi khác ghé tới. Mừng lắm vội bước lên xe, vừa ổn định chỗ ngồi vừa thông báo địa điểm cần tới, lái xe buông câu xanh rờn, “chị xuống xe đi, đường đó đông lắm, không đi được”.
“Em ơi, đường đông thì cũng phải đi chứ, bọn em làm dịch vụ kiểu gì vậy, sao lại đuổi khách xơi xơi như thế. Thiếu tôn trọng khách hàng như vậy chị sẽ thông báo về tổng đài về thái độ…”. Chưa kịp nói hết câu, lái xe đã sừng sộ: “Chị muốn báo ai thì báo, giờ chị xuống xe ngay”.
Choáng váng, không thể tin nổi – cạn lời.
Sau một hồi khoảng hai xe nữa từ chối, cuối cùng tôi cũng bắt được một taxi chấp nhận đi, tất nhiên tài xế cũng than vãn đủ thứ vì đường tắc. Trong điều kiện phương tiện công cộng chưa phát triển, dịch vụ taxi thì từ chối khách, việc để phương tiện cá nhân ở nhà không khác gì “chặt chân”.
Đến bao giờ mới hết cảnh này ở Việt Nam?