Hội yêu thích sử dụng xe cub 50 phân khối

Tata Nano – thất bại của ôtô rẻ nhất thế giới

Mức giá ngang ngửa một chiếc xe ga, nhưng điều gì khiến số phận Tata Nano sắp đi đến hồi kết?

Tata Motors, hãng xe lớn nhất Ấn Độ, chủ sở hữu hai thương hiệu xe sang nước Anh Jaguar và Land Rover, vừa công bố chiến lược phát triển mới. Trong đó đề cập đến việc chỉ tập trung hai nền tảng sản xuất ôtô, thay vì sáu như hiện tại.

GenX Nano, một phiên bản của dòng Tata Nano.

Một trong số đó là Advanced Modular Platform (AMP), cơ sở để phát triển các mẫu hatchback hoặc xe thể thao. Nền tảng này hiện ứng dụng trên Tata Tiago, mẫu xe giá rẻ thứ hai (giá từ 4.800 USD) với kích thước lớn hơn Nano, trình làng thị trường Ấn Độ trong năm 2016 cùng gương mặt đại diện là ngôi sao bóng đá Lionel Messi.

Nền tảng thứ hai vay mượn thương hiệu Land Rover để xây dựng các mẫu SUV hoặc xe gia đình cỡ lớn. Điều này đồng nghĩa với số phận Nano dường như đã đi đến hồi kết. Bởi một điều đơn giản, Tata Nano phát triển dựa trên nền tảng hoàn toàn khác.

Dù là đứa con tinh thần của chủ tịch Raran Tata, nhưng mẫu xe gắn mác rẻ nhất thế giới cũng không thể tồn tại thêm. Những dự đoán về ngày tàn của Nano không ít. Vấn đề là khi nào và bài học kinh doanh rút ra từ câu chuyện Nano là gì mà thôi.

Tata Nano ra mắt lần đầu năm 2008 và lập tức tạo nên cơn sốt xe hơi không chỉ tại Ấn Độ mà còn ở phạm vi thế giới, bởi giá chỉ từ 2.000 USD. “Ôtô rẻ nhất thế giới” tự thân nó là một hấp lực lớn đối với những người có nhu cầu thực sự, hoặc đơn thuần chỉ vì hiếu kỳ về mức giá.

Màn ra mắt của Tata Nano thu hút giới truyền thông bởi mức giá “rẻ nhất thế giới”.

Thành công ngay lập tức đến với Tata Nano khi có hơn 50.000 đơn đặt hàng trong 5 ngày đầu tiên xe ra mắt. Nhưng rồi sức hút dần mất đi khi khách hàng nhận ra giá trị thật sản phẩm của Tata, khiến doanh số Nano liên tục giảm sút.

Theo thống kê của công ty này, doanh số cộng dồn của Nano đến thời điểm 2015 là gần 300.000 xe. Một con số đáng thất vọng nếu biết rằng công suất nhà máy có thể lắp ráp 250.000 xe/năm. Hiện nay, mức tiêu thụ của Tata Nano không đến 1.000 xe/tháng. Trong khi kỳ vọng doanh số trước đây dành cho Nano là 20.000 xe/tháng. Tata Nano, vì đâu nên nỗi?

Các nhà sản xuất Nano ngay từ đầu hướng mục tiêu tiếp cận đối tượng khách hàng muốn nâng cấp từ xe máy lên xe hơi. Mức giá “rẻ nhất thế giới” và giấc mơ xe hơi dành cho những người thu nhập thấp là những lý do khiến Tata đặt niềm tin chắc chắn cho sự thành công của Nano.

Nano trên một con phố tại Ấn Độ. Ảnh: AP.

Dẫu vậy, xe hơi với các trang bị nghèo nàn, tinh giảm tối đa các chức năng, không túi khí, không hệ thống giải trí, chẳng thể khiến người dân mặn mà. Dù cho Nano là sản phẩm mang danh “cây nhà lá vườn”, cho người bình dân Ấn Độ.

Chứng kiến sự sụt giảm doanh số của Nano, khi còn giữ vị trí CEO Tata, ông Karl Slym cho biết sẽ không giết chết đứa con tinh thần của vị chủ tịch. Hứa hẹn nâng cấp Nano để phù hợp hơn với thị hiếu người dân.

Nhưng rồi chính Karl Slym cũng phải thừa nhận với Bloomberg: “Những người đi xe ga sẽ chẳng hứng thú với Tata Nano. Bởi những người khác nghĩ họ đang mua một chiếc xe chẳng phải xe hơi, cũng chẳng phải xe hai bánh. Số người có xe hơi cũng không bận tâm đến nó, bởi họ không muốn thay phương tiện bốn bánh thành hai bánh”.

Ấn Độ là một quốc gia với nền kinh tế trẻ, năng động, đang trên con đường trở thành một thế lực lớn tại châu Á. Giá rẻ không phải là công thức hoàn toàn đúng để thành công ở nước này.

“Nano thành công với mác xe giá rẻ, nhưng nó không được đặt đúng thị trường”, Ranjit Yadav, chủ tịch phân mảng xe khách của Tata Motors nói. “Nó không thất bại. Chỉ là Nano không khớp với trí tưởng tượng của người dân về một chiếc xe hơi. Họ cần nhiều hơn thế”.

Sự cố kỹ thuật gây hỏa hoạn khiến niềm tin của khách hàng đối với Nano giảm sút. Ảnh: AFP.

Người dân quay lưng với Nano mặc cho mức giá rẻ bèo đối với một chiếc ôtô. Không chỉ che mưa che nắng, thứ mà họ cần còn là một thứ ra trò. Động cơ chỉ 624 phân khối, công suất 32 mã lực ngang ngửa với những chiếc môtô. Chưa kể vấn đề lỗi kỹ thuật gây cháy trong năm 2010, các thử nghiệm va chạm khi xe chạy trên 60 km/h có thể gây tử vong cho người ngồi trong xe. Những điều đó khiến Nano dường như chỉ sống với duy nhất một “vũ khí”, giá rẻ.

Người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao hơn Nano để sở hữu một chiếc ôtô đúng chất. Hoặc mua lại những xe đã qua sử dụng để làm phương tiện đi lại hàng ngày. Hơn là chọn Nano chỉ vì cái giá.

Nhận thấy những khiếm khuyết đó, Tata bắt đầu nâng cấp Nano với việc ra mắt các phiên bản mới: Twist Nano, Nano Emax hay GenX Nano. Bổ sung thêm nhiều tính năng mới như vô-lăng trợ lực điện, hệ thống âm thanh, kết nối Bluetooth, cửa mở cốp sau. Tạo hình ảnh vui vẻ, năng động cho một chiếc xe đô thị. Nhưng điều đó không giúp Nano thoát khỏi khủng hoảng doanh số.

Ôtô rẻ nhất thế giới sắp biến mất. Giấc mơ xe hơi dành cho mọi người của vị chủ tịch Tata Motors trở về thực tại.