Tại sao người lái xe không hiểu rằng, mình cũng từng ử vào hoàn cảnh sợ bị xe khác đâm vào lúc dò dẫm qua đường.
Tôi năm nay 25 tuổi, đã có bằng B2 được hơn một năm và may mắn khi vừa có bằng thì nhận được học bổng du học một năm tại Luxembourg. Qua một năm bên trời Tây, thấy cách họ lái xe, cách người đi bộ qua đường tôi thấy thật an toàn và nhàn hạ.
Chỉ cần đứng ngay vạch ưu tiên, các phương tiện sẽ chủ động dừng lại trước vạch để nhường đường cho bạn qua đường, kể cả xe tải lớn hay là người đi xe đạp. Họ có thể chờ đợi, xếp hàng dài để chờ một bà cụ qua đường và đương nhiên không có một tiếng còi hối thúc nào. Hay xa hơn là việc cả đoàn xe tấp vào nhường đường cho xe cấp cứu trên đường Autobahn ở Đức mà tôi nhìn thấy thực tế. Đó là sự văn minh của người tham gia giao thông.
Có lẽ người Việt ta là những người gan dạ nhất vì mỗi lần qua đường như trò chơi cảnh giác mạnh, xe có thể đâm vào bạn bất cứ khi nào và chuyện nhường đường chắc chỉ có trong luật giao thông, trong quá trình thi bằng lái xe đều có nội dung này, thi sát hạch cũng có bài dừng xe nhường đường cho người đi bộ.
Nhưng thi xong rồi, có bằng rồi điều khiển phương tiện trên đường rồi thì mấy ai làm được điều đó, kể cả người thực thi luật giao thông còn không làm đúng luật thì làm sao bắt người điều khiển các phương tiện khác làm được. Nhưng theo tôi, ý thức mỗi người là quan trọng.
Ai cũng từng qua đường, cũng từng sợ bị xe đâm, vậy tại sao khi lái xe lại không nhớ lại lúc đó, không đặt vị trí của mình vào người khác. Phải chăng sự ích kỷ đã làm bạn quên chính bạn đã từng sợ, từng muốn như vậy? Và chắc cũng vì chưa ai từng bị phạt vì không nhường đường cho người đi bộ nên họ chưa nhớ đến luật giao thông đã học, hay vì nó đã thành thói quen của cả người điều khiển phương tiện và người qua đường.
Người điều khiển quen với việc không nhường đường và người qua đường quen với việc phải nhường đường. Nhiều lần tôi nhường đường cho người qua đường, tôi dừng xe lại họ cũng dừng lại không đi tiếp, 5-10 giây sau họ mới đi. Với họ chuyện được nhường đường thật lạ lẫm. Sẽ có người nói nước ta có nhiều xe máy, giao thông hỗn hợp nên khó làm được việc này; nhưng nhìn xem, Thái Lan, Lào, Campuchia,.. họ cũng có xe máy cũng giao thông hỗn hợp nhưng họ làm được tốt hơn ta nhiều lần. Nếu muốn phát triển văn hóa giao thông thì đừng để những chuyện bình thường ở nước khác thành chuyện lạ ở Việt Nam.