Nhãn năng lượng là trách nhiệm của hãng xe nếu muốn bán ra thị trường, người sử dụng chỉ dùng thông tin này để tham khảo.
Mới đây Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định về danh mục phương tiện phải dán nhãn năng lượng. Nhóm ôtô 9 chỗ trở xuống sẽ bắt buộc thực hiện từ 1/1/2018 và xe máy bắt buộc từ 1/1/2020.
Câu hỏi đặt ra là người sử dụng có cần phải mang xe đi dán tại các cơ quan phụ trách kiểm tra kỹ thuật không và giá xe có tăng?
Các hãng xe tại Việt Nam cho biết việc dán thêm nhãn năng lượng không làm tăng giá vì chi phí cho mỗi tem rất thấp, không đủ lớn để cộng thêm vào giá.
Người mua không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Thực tế, nhãn năng lượng đã áp dụng với xe 7 chỗ trở xuống từ năm 2015, là một nhãn nhỏ dán bên hông xe, ghi thông tin về loại xe, loại nhiên liệu, mức tiêu thụ nhiên liệu trong và ngoài đô thị.
Có hai loại nhãn giống nhau về nội dung nhưng khác nhau về màu sắc là nhãn xanh và nhãn vàng. Trong đó nhãn xanh do Cục đăng kiểm cấp, số liệu trên nhãn do Cục này trực tiếp thử nghiệm. Nhãn vàng có thông tin do hãng xe tự thử nghiệm, Cục đăng kiểm chỉ kiểm tra bộ hồ sơ và phương pháp thử nghiệm mà không tiến hành đo đạc thực tế.
Khi nhãn năng lượng trở thành bắt buộc, hãng phải dán nhãn này thì Cục đăng kiểm mới cấp Giấy chứng nhận lưu hành cho ôtô. Nói cách khác, nếu không dán nhãn thì không thể bán xe trên thị trường.
Với người sử dụng ôtô, nhãn năng lượng là một căn cứ lý thuyết để so sánh giữa các xe khi có ý định mua xe, nhằm tìm kiếm xe “ăn” ít xăng hơn, mức khí thải theo đó cũng ít hơn. Xe đang sử dụng có hay không có nhãn năng lượng không thuộc trách nhiệm của tài xế, ôtô vẫn lưu thông bình thường.
Nhãn năng lượng là khâu bắt buộc ở hầu hết các nước phát triển, nhằm quản lý mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải ra môi trường. Nhưng cũng bởi nhãn năng lượng mà nhiều hãng vướng vào vòng lao lý khi bị phát hiện gian lận con số cung cấp trên nhãn năng lượng. Volkswagen, Mitsibishi là những hãng lao đao vì bị phát hiện gian lận khí thải, hay Renault, Peugeot cũng từng bị điều tra.