Nhiều tài xế cho rằng 4WD và AWD ý nghĩa giống nhau, chỉ khác nhau về cách viết, đó là một nhận định sai lầm.
Trên các dòng xe cá nhân thông dụng như sedan, hatchback chủ yếu sử dụng hệ dẫn động 1 cầu hay 2 bánh. Khái niệm này dễ hiểu, đơn giản với nhiều người. Ví dụ hệ dẫn động cầu trước tức là chuyển động quay của động cơ, của hộp số sẽ được liên kết trực tiếp, truyền thẳng xuống bánh trước. Khi đó, bánh trước sẽ kéo xe đi, bánh sau chỉ có nhiệm vụ lăn theo. Ngược lại, hệ dẫn động cầu sau là sức mạnh truyền tới bánh sau, bánh trước chỉ có nhiệm vụ dẫn hướng và lăn, bánh sau mới đẩy xe đi.
Nhưng hiện nay, xu hướng sử dụng xe gầm cao như crossover, SUV, bán tải phát triển, đồng nghĩa với khái niệm dẫn động 4 bánh, dẫn động 2 cầu trở nên phổ biến hơn. Dẫn động 4 bánh tức là sức mạnh động cơ truyền xuống cả 2 trục trước và sau. Cả hai trục đều có thể đẩy xe đi.
Bằng ký hiệu gắn vào tên xe, thường xuất hiện hai cụm từ viết tắt là 4WD và AWD. Ví dụ Mazda CX-5 AWD hay Mitsubishi Pajero Sport 4WD. Cả hai đều là dẫn động bốn bánh, và nhiều người cho rằng 4WD và AWD là một, chỉ khác nhau cách gọi. Nhận định này là sai, vì bản chất 4WD và AWD khác nhau nhiều thứ.
AWD – bốn bánh, tự động
AWD là All-wheel Driving, tức dẫn động tất cả các bánh. Vì ôtô thường có 4 bánh nên trong tiếng Việt được gọi là dẫn động 4 bánh. Nhưng để hiểu đúng bản chất thì AWD phải được gọi là “Dẫn động 4 bánh toàn thời gian”. Điều đó có nghĩa, lúc nào xe cũng dẫn động 4 bánh.
Dẫn động 4 bánh toàn thời gian không có nghĩa là 4 bánh được nhận cùng một lượng mô-men xoắn như nhau. Tùy vào điều kiện vận hành, xe sẽ tự tính toán để có mức mô-men truyền tải khác nhau. Ví dụ, khi chạy trên đường nhựa phẳng, điều kiện thời tiết khô ráo như cao tốc, tỷ lệ mô-men truyền tới cầu trước-sau là 80-20 thì khi đường trơn trượt, hay những tình huống cần sức mạnh tới bánh sau, xe sẽ phân phối lại như 60-40.
Tất cả những việc này đều do xe tính toán và tự động thực hiện, tài xế không cần can thiệp. Do vậy, thiết kế bảng táp-lô, khu điều khiển trung tâm của phiên bản AWD tương tự phiên bản 2WD (một cầu), chỉ khác nhau ở cấu tạo bên trong hệ dẫn động. Tài xế lái bản một cầu cũng giống lái bản AWD, không cần làm gì thêm.
Thiết kế khu cần số giống hệt bản 2WD. |
Hiện nay, để tăng cảm xúc cho người lái AWD, một số hãng bổ sung tính năng giúp tài xế tự động lựa chọn mức độ truyền mô-men giữa cầu trước và cầu sau để mang tới cảm hứng vận hành chân thực, nhiều cảm xúc nhất.
Video dưới đây so sánh sự khác biệt giữa dẫn động 4 bánh toàn thời gian so với dẫn động 1 cầu – cầu trước (FWD) hoặc cầu sau (RWD).