Giới thiệu sản phẩm ở triển lãm Detroit nhưng đại diện hãng ôtô Trung Quốc cho biết sẽ lui quá trình tiến vào thị trường Mỹ trong ít nhất một năm tới.
Hiện không hãng xe Trung Quốc nào có thể bán sản phẩm của mình tại Mỹ do những quy định về an toàn và tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe hơn. Ngoài ra là tình trạng thiếu hụt mạng lưới đại lý nhượng quyền thương mại gây trở ngại cho việc kinh doanh tại đây.
Thêm vào đó là lời hứa mập mờ của tổng thống mới đắc cử Donald Trump về việc tái đàm phán các thỏa thuận thương mại và áp dụng mức thuế cao đối với xe nhập khẩu càng khiến các đề xuất kinh doanh khó được thông qua.
GAC giới thiệu 3 mẫu xe mới tại Detroit. Ảnh: China Daily. |
Tập đoàn ôtô Quảng Châu (GAC) tung ra 3 mẫu xe trong buổi họp báo tại triển lãm Detroit, cũng là buổi họp báo thứ 2 của tập đoàn này trong vòng 3 năm qua. Quảng Châu là thương hiệu xe Trung Quốc mới nhất tham gia và có thể được xem là dấu hiệu cho sự trở lại.
Chủ tịch tập đoàn, ông Feng Xingya tin rằng công ty có thể trở thành nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đầu tiên tiến vào thị trường Mỹ trong 2 năm tới. “Tôi hy vọng việc xuất khẩu sẽ được tiến hành vào năm 2018. Chắc chắn việc này sẽ không muộn hơn 2019”, vị chủ tịch phát biểu.
Không công bố lý do hoãn các kế hoạch vào Mỹ trong năm 2017, vị đại diện của GAC cho biết đang đàm phán với những công ty khác để bán sản phẩm thông qua mạng lưới đại lý của đối tác.
GAC liên doanh và hợp tác với một vài hãng xe hơi tại Trung Quốc vốn có sẵn mạng lưới đại lý như Fiat Crysler, Toyota và Honda. Theo luật pháp, một hãng xe hơi nước ngoài phải hợp tác với một hãng xe Trung Quốc thì mới được hoạt động tại thị trường này.
Tháng 4/2016, từng có thông tin cho rằng GAC hy vọng Fiat Chrysler sẽ “hỗ trợ và giúp đỡ”. Tuy nhiên bên phía đối tác từ chối bình luận.
Giám đốc điều hành của Fiat Chrysler, Sergio Marchionne, nói rằng GAC không nằm trong các cuộc thảo luận về khả năng cung cấp xe con, dòng xe được Fiat Chrysler ngưng sản xuất ở nội địa Mỹ từ 2016.
Marchionne cũng cho biết, tập đoàn xe đa quốc gia cũng như ngành công nghiệp xe hơi nên hoãn các kế hoạch hợp tác để chờ xem liệu tổng thống mới đắc cử có thực hiện những lời hứa về thương mại đưa ra trong quá trình tranh cử hay không.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump cam kết sẽ áp dụng mức thuế 45% cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 35% cho các mặt hàng nhập khẩu từ Mexico.
Thực tế, xe Trung Quốc vẫn được sử dụng tại Mỹ nhưng ít người tiêu dùng nào biết được gốc gác xe nếu chỉ thông qua tên hãng. General và Volvo – thuộc sở hữa của tập đoàn đa quốc gia Geely – đều nhập khẩu xe từ Trung Quốc vào Mỹ.
Volvo bắt đầu nhập dòng S60 Inscription từ Trung Quốc vào Mỹ trong 2015. Cùng năm, hãng xe Thụy Điển từng thông báo kế hoạch về việc chuyển dây chuyền sản xuất mẫu S90 từ Thụy Điển sang Trung Quốc và xuất khẩu dòng sedan này ra thị trường thế giới gồm châu Âu và Mỹ.
Từ tháng 5/2016, GM bắt đầu nhập mẫu SUV hạng sang Buick Envision từ Trung Quốc vào Mỹ. Tổng số xe Envision bán ra năm ngoái tại Mỹ là 14.000 chiếc. Từ đầu năm nay, GM sẽ nhập khẩu Cadillac CT6 Plug-In hybrid từ Trung Quốc.
Johan de Nysschen, chủ tịch Cadillac, khẳng định trong cuộc phỏng vấn tại triển lãm Detroit 2017, rằng một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc không phải là điều tốt với Cadillac, GM.
Mới đầu tuần này, GM công bố doanh số của hãng tại Trung Quốc tăng 7,1% so với 2016 và lập kỷ lục bán hàng thường niên tại thị trường lớn nhất của mình. GM và đối tác bán được 3,87 triệu xe trong 2016, trong khi các thương hiệu của liên doanh GM và SAIC gồm Cadillac, Buick và Baojun cũng đều lập kỷ lục bán hàng tại Trung Quốc.
Một vài chuyên gia trong ngành dự đoán, các nhà sản xuất xe hơi tiếp tục đầu tư mạnh vào Trung Quốc trong khi vẫn giữ số lượng xe nhập khẩu vào Mỹ ở mức tối thiểu.