Bức tranh giao thông tại các thành phố lớn mang sắc thái xô bồ, hỗn loạn, vô kỷ cương nhiều hơn là nhộn nhịp, tấp nập trong trật tự, lẽ ra phải là vốn có của các đô thị văn minh.
Dàn hàng ngang, điền vào chỗ trống, bon chen, lấn làn, chặt đầu, chém góc, leo hè, ngược chiều, ôm làn, lắc làn, dừng đỗ sai, giương pha, còi loạn… là những cụm từ nên đặt trong ngoặc kép, khá phổ biến, ám chỉ những hành vi không mấy văn minh của người tham gia giao thông tại các đô thị lớn nước ta.
Ôi, nhìn vào ngã tư, ngã năm, ngã bảy, biển báo hiệu bị che lấp, đèn tín hiệu chập chờn không hoạt động là lúc tất cả các phương tiện cùng “quẩy” theo một bản nhạc riêng, lấn át nhau, không giống ai. Thật buồn!
Chúng ta thường có thói quen cạn lời với nhau, chê bai bất cứ ai, bất cứ việc gì, miễn không phải là mình. Cán bộ đổ lỗi cho người dân thiếu ý thức; người dân đổ cho hạ tầng kém, quy hoạch thiếu tầm nhìn. Người đi xe máy đổ cho ôtô là đi xe sang nhưng ý thức không sang; người đi ôtô đổ cho xe máy là loại văn hóa 2 bánh đường làng.
Rồi thì cả ôtô, xe máy, người đi bộ đồng loạt chỉ vào trán nhau và hỏi ý thức ở đâu? Cuối cùng tóm được và đổ vạ cho các ông xe khách, xe buýt, xe tải… thành tội đồ – xe càng cao “ý thức” càng lùn! Các tội đồ thanh minh, thanh nga rằng vì tiền mà phải mưu sinh, hãy đổi vai, giỏi thì trèo lên 45 chỗ hay con container mà lái ở đường Việt Nam thì sẽ rõ, mặc vest chắc gì đã lịch sự hơn!
Lời qua tiếng lại, không mèo nào thắng mỉu nào, ông tám lạng bà nửa cân. Và phần thắng đương nhiên nghiêng về khối văn phòng – cổ cồn đi xe con – nhóm người có lợi thế trên Internet.
Rất nhiều người chỉ ra rằng nguyên nhân chính gây nên sự bát nháo trong giao thông là do ý thức tham gia giao thông của cả người điều khiển ôtô và xe máy, không phải tất cả, nhưng nhiều người rất kém. Hạ tầng giao thông dù được xây mới, nâng cấp nhiều, song chưa đáp ứng được sự gia tăng của người và phương tiện. Tổ chức giao thông chưa tốt. Đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường, phân làn, luồng, tuyến ở những nơi trọng điểm về ùn tắc chưa giải quyết được. Việc bố trí lực lượng còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng được thực tế.
Tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông, luật giao thông có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn hình thức, giáo điều… Xử phạt lỗi vi phạm đôi khi chưa nghiêm, chưa công bằng. Tầm nhìn hoạch định chung và về giao thông nói riêng rất có vấn đề.
Đấy là 6 nguyên nhân có quan hệ mật thiết, tương hỗ, khiến bức tranh giao thông ở các đô thị lớn có phần rất vô tổ chức. Hạ tầng kém, nhưng ý thức tốt thì giao thông không đến nỗi tệ. Hạ tầng kém nhưng tổ chức giao thông tốt cũng sẽ không tệ.
Tuyên truyền, giáo dục tốt, xử phạt nghiêm minh công bằng sẽ dẫn tới ý thức hơn, mà ý thức hơn thì giao thông không tệ lắm, đúng không? Quy hoạch tốt, đâu đến nỗi để người và phương tiện đổ dồn về các thành phố lớn, để các bài toán giao thông, các đề án hạn chế phương tiện cá nhân trở thành thiếu khả thi, không thực hiện nổi, thậm chí chết yểu vì xung đột lợi ích với rất nhiều nhóm đối tượng đang sử dụng phương tiện khác nhau.
Tóm lại, chừng nào tầm nhìn đi liền với tiền bạc vẫn còn hạn chế thì bài toán quy hoạch vẫn chỉ là chắp vá. Chừng nào lợi ích của các nhà đầu tư bất động sản quá lớn khi được nhảy bổ vào trung tâm đầu tư những cao ốc, cụm chung cư sang trọng giữ lòng thành phố. Chừng nào phương tiện giao thông công cộng chỉ có nhõn loại hình xe buýt; chừng nào các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học chưa được giãn ra ngoại tỉnh, chừng nào tư duy của người dân là Hà Nội, TP HCM dễ kiếm tiền… thì chừng đó giao thông vẫn tiếp tục căn bệnh trầm kha – xô bồ, hỗn loạn, vô kỷ cương.
Khi những nguyên nhân trên chưa có giải pháp khả thi thì ý thức tham gia giao thông của người dân trở thành yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định!
Vì vậy, khi tham gia giao thông mọi người hãy cố gắng, cố gắng chấp hành luật giao thông. Tôi phải gạch chân chữ “cố gắng” vì trong giao thông đô thị Việt Nam đòi hỏi phải “tuân thủ tuyệt đối” là viển vông, giáo điều.
Chỉ cần cố gắng thôi thì mỗi chúng ta góp phần làm bức tranh giao thông sáng sủa hơn. Có thể đâu đó vẫn còn ùn ứ ách tắc, nhưng tinh thần của chúng ta không tệ, không đến mức mỗi lần tham gia giao thông là thấy tóc bạc thêm vài sợi, râu mọc ra dài hơn, nếp nhăn hằn sâu hơn, vài mụn trứng cá cũng đua nhau mọc lên vô tổ chức quanh mép, vì bức xúc với vài tình huống giao thông, có văng tục vài câu.
Nguyễn Phúc Tâm